Du học sinh thăng tiến vượt cấp sau cú sốc làm thêm ở Nhật

Từng trốn trong nhà kho để khóc sau một lần khiến khách tức giận, Tấn Phát vừa được thăng cấp hai bậc khi làm thêm ở một cửa hàng thời trang.

Lê Viết Tấn Phát, 21 tuổi, đang là sinh viên năm hai khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Asia (Tokyo). Trong hơn hai năm sang Nhật, Phát làm thêm ở một hãng thời trang và vừa được thăng tiến. Với chàng trai Huế, thành tích ấy là kết quả của những trải nghiệm không thiếu nụ cười, nước mắt.

Tốt nghiệp lớp chuyên Nhật Trường Quốc học Huế năm 2018, Phát “gap year” một năm trước khi sang Nhật với học bổng 100% học phí của Đại học Asia. Sau một năm học tiếng ở chi nhánh của trường, cậu trở thành tân sinh viên năm 2020.

Muốn có cơ hội trau dồi tiếng Nhật, tiếp xúc với người bản địa nhiều để hiểu hơn về văn hóa, ngôn ngữ, Phát tìm việc làm thêm và trở thành người nước ngoài duy nhất được nhận vào hãng thời trang cậu làm hiện tại, trong đợt tuyển dụng đó.

Phát tới thăm thành phố Kyoto năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phát tới thăm thành phố Kyoto năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước khi làm việc chính thức, Phát và các đồng nghiệp người Nhật phải trải qua ba buổi đào tạo lý thuyết. Họ được phát sổ tay hướng dẫn công việc và yêu cầu học thuộc. Sau mỗi buổi sẽ có người kiểm tra. Phát thường phải mượn sổ ghi chép của bạn để chụp lại vì không thể nghe kịp những gì quản lý nói.

“Em cũng được huấn luyện cách đi lại, cười nói ra sao cho lịch sự. Nhân viên luôn phải niềm nở, mắt mở to, cằm đưa ra một chút và cười thân thiện, dáng đi thẳng, tay để đúng vị trí…”, Phát kể.

Công việc đầu tiên của Phát là xếp đồ, mang quần áo từ kho ra trưng bày. Sau mỗi tiếng, cậu được thay đổi và luân phiên ở các vị trí để không tạo cảm giác nhàm chán. Ban đầu, Phát choáng ngợp với những nguyên tắc cần nhớ như quần áo xếp cách nhau bao nhiêu cm thì đẹp, tag áo luôn phải cho vào trong, áo có mũ phải lật lên để khách biết hay đồ mùa đông phải gấp thế nào… Sau một ngày khách bới tung đồ để chọn, nhân viên phải đảm bảo quần áo được bày gọn gàng như ban đầu rồi mới được ra về.

Thế nhưng, những nguyên tắc ấy chưa phải điều khiến Phát áp lực.

Những khi đông khách, Phát bối rối khi được nhờ tư vấn chọn đồ, phối đồ hoặc tìm đúng một mẫu trang phục nào đó giống với quảng cáo trên tivi. Chưa rành hết các sản phẩm, tiếng Nhật chưa thành thạo nên nhiều lần Phát không thể nghe ra yêu cầu của khách, phải cầu cứu đồng nghiệp.

“Tim em đập thình thịch, cảm giác sợ hãi vì không biết khách sẽ yêu cầu gì và mình phải trả lời ra sao. Em hỏi đi hỏi lại nhưng vẫn không hiểu nên phải xin lỗi và nhờ các anh chị lâu năm nghe giúp”, Phát kể.

Tối nào về nhà, cậu cũng dằn vặt và trách móc bản thân. Suốt bốn tháng đầu, Phát mang theo nỗi căng thẳng từ cửa hàng vào giấc ngủ. Cảm giác “sốc tiếng Nhật” khiến cậu trở nên tự ti. Ở chỗ làm, ai hỏi cậu mới trả lời và hầu như né trò chuyện với đồng nghiệp.

Lần nọ, Phát gặp một khách nữ đến đổi hàng. Chưa nắm rõ luật đổi đồ, lại dùng kính ngữ thiếu mượt mà, Phát lắp bắp giải thích khiến vị khách tức giận, đòi gặp quản lý.

Cảm giác tự ti lại trỗi dậy, kéo theo những áp lực chất chứa từ lâu và nỗi cô đơn ở đất khách, cậu bất lực, tủi thân. Nước mắt cứ thế trào ra, Phát nấc lên từng tiếng rồi chạy vào nhà kho khóc. “Lúc đó không có ai, nhà kho chất đầy những thùng hàng cao, tiếng khách hàng cười nói vẫn rất gần, nhưng không ai nghe thấy tiếng khóc của em”, Phát nhớ lại.

Phát dạo chơi trong một công viên ở Tokyo năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phát dạo chơi trong một công viên ở Tokyo năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cậu quyết tâm thay đổi, vừa để thử thách bản thân vừa học cách thích nghi. Phát nhận ra nụ cười và sự niềm nở là mấu chốt trong công việc nên từ đó cười nhiều hơn và chủ động bắt chuyện. Nụ cười và sự lạc quan vốn là thế mạnh của Phát, sau thời gian chìm trong mặc cảm, giờ được phát huy trở lại.

Phát dần thấy gắn bó, yêu công việc hơn mỗi khi được đồng nghiệp khen cười đẹp, khách hàng để lại phản hồi tích cực. Nụ cười của cậu thậm chí được nhắc đến trong mỗi cuộc họp và trở thành “thương hiệu”.

Tại chỗ làm, quầy tính tiền được xem là trung tâm xử lý mọi vấn đề, vị trí cho thấy sự vững vàng trong công việc và lộ trình phải qua nếu muốn thăng tiến. Được quản lý gọi vào và hướng dẫn ở vị trí này, Phát vỡ òa trong vui sướng.

Nam sinh tâm sự, từ hạn chế nói chuyện, cậu trở thành người coi trọng các mối quan hệ, biết cách tiếp nhận văn hóa bản địa. Khi tiếng Nhật đã tốt hơn, biết cách đối nhân xử thế và dùng kính ngữ lưu loát, Phát tự tin và yêu công việc ở cửa hàng hơn. Lúc làm việc, cậu luôn đặt mình ở cả hai vị trí: khách hàng và chủ. Phát đặt mình vào vị trí khách để hiểu được mong muốn, từ đó biết cách đối đãi, tiếp đón họ. Cậu cũng luôn có tâm thế nếu làm việc hết sức, công ty sẽ phát triển tốt hơn.

Vài tháng trước, Phát được thăng tiến vượt hai cấp, từ cấp 1 đến cấp 3 (vị trí tương đối cao với nhân viên làm thêm). Ở vị trí này, Phát thỉnh thoảng được giao hướng dẫn và giám sát công việc của những người mới vào.

Theo cựu học sinh Quốc học Huế, công việc ở nơi làm thêm mang đến cho cậu những trải nghiệm quý giá. Cậu học kiến thức ở lớp nhưng nơi làm việc đã dạy cậu cách đối nhân xử thế và duy trì mối quan hệ. Suốt hơn hai năm du học, Phát vẫn phải học online và chưa được đến trường.

Yêu công việc nhưng việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu của Phát. Có thời điểm, cậu mệt mỏi, không cân bằng được việc học và làm. Nhưng sau khi xốc lại bản thân, Phát chú tâm học hành và giành kết quả GPA 3.8/4.0.

Phát cùng Rina Masuda (giữa) và một đồng nghiệp khác trong một lần đi ăn năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phát cùng Rina Masuda (giữa) và một đồng nghiệp khác trong một lần đi ăn năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện ngoài học online ban ngày ở trường, Phát đi làm ở cửa hàng từ 18h đến 22h, sau đó dạy thêm tiếng Nhật và phát triển fanpage “Naruhodo – Chuyện ở Nhật”.

“Đừng để việc làm thêm ảnh hưởng đến việc học. Hãy lập thời gian biểu chi tiết và nếu được, bạn hãy cứ thử làm những công việc như mình để thử thách bản thân”, Phát chia sẻ.

Lần đầu tiên gặp Phát ở cửa hàng năm 2019, Rina Masuda, 21 tuổi, ấn tượng với chàng trai Việt Nam ở sự dễ gần, chăm chỉ và nỗ lực học tiếng Nhật. Có từ nào không hiểu, dù ở bất cứ lĩnh vực gì, Phát hỏi ngay và muốn nhớ tất cả. Tiếng Nhật của Phát giỏi lên từng ngày, đến mức cô thấy đồng nghiệp như biến thành một người khác so với lần đầu gặp mặt.

“So với hai năm trước, lúc Phát vẫn còn cặm cụi học tiếng Nhật vào những giờ giải lao, bây giờ tôi cảm nhận sự tiến bộ rõ rệt của cậu ấy trong cách dùng ngôn ngữ”, Rina, ở thành phố Tokyo, cho biết.

Ngoài ra, Rina nhớ nụ cười và gương mặt rạng rỡ của đồng nghiệp. Ở cửa hàng, Phát được khách hàng yêu quý nhất trong số các nhân viên ở công ty.

“Khi bạn bè, đồng nghiệp gặp khó khăn, Phát luôn là người đầu tiên nhận ra và chạy đến giúp đỡ ngay lập tức. Với tôi, Phát là một người hoàn hảo trong công việc và biết cách quan sát, giúp đỡ người khác”, Rina chia sẻ.

Leave Comments

0943234699
0943234699